Để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một trong những điều kiện tiên quyết là phát triển ổn định các ngành công nghiệp, trong đó lĩnh vực cơ khí đóng vai trò cốt lõi vì tầm ảnh hưởng của cơ khí đối với các ngành kinh tế khác rất lớn. Tuy nhiên, đến nay ngành công nghiệp “xương sống” này chưa được quan tâm đúng mức, chưa xứng tầm vị thế quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Bài 1:
Lãng phí nguồn lực
Ngành công nghiệp cơ khí có nhiệm vụ cung cấp toàn bộ trang, thiết bị phục vụ nền kinh tế quốc dân, an ninh - quốc phòng và đời sống nhân dân. Công nghiệp cơ khí được coi là ngành trung tâm, chủ đạo, then chốt trong ngành công nghiệp, là “máy cái” của nền sản xuất xã hội. Chính vì vậy, một thời ngành cơ khí được tập trung nguồn nhân lực tinh hoa, chất lượng cao. Qua thời gian, do không có chiến lược phát triển căn bản, “thế hệ vàng” của ngành cơ khí bị mai một dần, lãng phí một cách hết sức đáng tiếc!
Cơ chế “bó cứng”
Đưa chúng tôi xuống thăm nhà xưởng chế tạo thiết bị, kỹ sư phụ trách công nghệ Công ty cổ phần Lilama 69-3 (thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama) Đặng Văn Phương chỉ vào chiếc máy xúc bánh xích “made in Việt Nam” LX 200 cho biết, ngoại trừ bộ phận thủy lực, điều khiển trong nước chưa sản xuất được phải nhập từ nước ngoài, còn lại tất cả các bộ phận cấu thành chiếc xe đều do các kỹ sư, công nhân của Lilama 69-3 tự sản xuất, chế tạo, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Máy xúc LX 200 đã đoạt giải thưởng khoa học - công nghệ quốc gia, được coi là sản phẩm khoa học có hàm lượng chất xám cao, khẳng định năng lực chế tạo thiết bị, máy móc của Lilama 69-3. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của chiếc máy xúc này vẫn chỉ quanh quẩn trong hàng rào xưởng chế tạo thiết bị của công ty. Mặc dù các sản phẩm cơ khí trọng điểm được hưởng các cơ chế ưu đãi của Nhà nước theo quy định, song hướng dẫn rất chung chung, cho nên trên thực tế, sản phẩm làm ra chỉ mang tính trình diễn, không được áp dụng trong sản xuất, trở thành hàng hóa. Kỹ sư Đặng Văn Phương khẳng định: Nếu có cơ chế về “đầu ra”, sản phẩm được sản xuất hàng loạt, chắc chắn sẽ hạ được giá thành, tạo nguồn lực cho công ty nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, phát huy được năng lực của các doanh nghiệp (DN) cơ khí (DNCK) trong nước.
Tương tự, công ty cũng chế tạo thành công quạt công suất lớn phục vụ cho các nhà máy xi-măng, tuy nhiên cũng chỉ có một số nhà máy xi-măng đặt hàng, còn phần lớn vẫn “thích” nhập khẩu sản phẩm này từ nước ngoài. DNCK “mất đất dụng võ”, đành quay về với thị trường gia công, lắp máy đơn thuần vốn đang ngày càng bị thu hẹp thị trường, cạnh tranh gay gắt với các cơ sở cơ khí nhỏ, sức tăng trưởng ngày càng chậm lại.
Một vấn đề nữa khiến DNCK “thua ngay trên sân nhà” là cơ chế đấu thầu còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là vốn vay, “bó cứng” đầu ra của ngành. Hàng loạt các sản phẩm hàm lượng nội địa hóa cao hoặc nghiên cứu, chế tạo gắn mác “made in Việt Nam” như máy biến áp, bộ sấy khí các nhà máy nhiệt điện, quạt công suất lớn cho nhà máy xi-măng,… tuy sản xuất trong nước thành công, nhưng vướng cơ chế đấu thầu cho nên không “chen chân” được vào các công trình, dự án, làm ra đành bỏ đấy hết sức lãng phí. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lilama 69-1 Ngô Quốc Thịnh không giấu được vẻ buồn bã và tâm sự: Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, chúng tôi đã chế tạo thành công bộ sấy khí cho các nhà máy nhiệt điện, đạt tiêu chuẩn chất lượng áp dụng trong sản xuất, nhưng khi chào hàng với ngành điện lực, hầu hết các đơn vị đều từ chối và họ vẫn “vui vẻ” nhập hàng loạt sản phẩm này cho các dự án điện.
Một thực tế cho thấy sự lãng phí hiện nay là nhiều DNCK đang để trống nhà xưởng, hàng loạt máy móc, thiết bị “đắp chiếu” hàng chục năm nay. Từ hệ quả của việc đầu tư tràn lan ngoài ngành trước đây, một số đơn vị bỏ tiền đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ, tuy nhiên sau đó “đuối sức”, không đủ khả năng vận hành, sản xuất, trong khi nếu những thiết bị này nằm trong tay các đơn vị có năng lực, đầu ra ổn định sẽ phát huy hiệu quả rất cao. Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn xót xa: Nhiều DNCK hiện nay chưa đủ khả năng đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, trong khi những thiết bị này là tư liệu sản xuất hữu ích, nếu để không hàng chục năm, sẽ bị xuống cấp theo thời gian, hết sức lãng phí. Một bên có thiết bị, nhưng không thể đưa vào sử dụng trong tương lai gần, còn một bên có đầu ra, nhưng chưa đủ tiềm lực tài chính, thiết bị. Trước đây, Vinashin đầu tư xây dựng tổ hợp cơ khí chính xác tại Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương), trang bị dây chuyền sản xuất rất hiện đại và đồng bộ. Sau khi Vinashin bị sụp đổ, phải tái cơ cấu, toàn bộ tổ hợp này với nhiều thiết bị, máy móc hiện đại đã ngừng hẳn hoạt động. Không nên đơn giản chỉ coi đó là tài sản của một đơn vị, mà rõ ràng đây là nguồn lực quốc gia. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, những tài sản này không được sinh lời, xuống cấp trầm trọng là quá lãng phí. Hiện, chính sách điều chuyển nguồn lực giữa các đơn vị sử dụng nguồn vốn nhà nước chưa rõ ràng. Vì thế, cần có bàn tay can thiệp thỏa đáng của Nhà nước với vai trò cầu nối, tập hợp các DNCK, tiến hành bàn giao tài sản cho đơn vị có khả năng đảm nhận, bảo đảm mục tiêu tối đa hóa hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực vốn đã hạn hẹp của DN.
Có thể thấy, đây là tình cảnh chung của nhiều DNCK, nguồn việc không còn dồi dào, cạnh tranh trong nước ngày càng gắt gao, trong khi các gói thầu xây lắp công trình lớn tại Việt Nam thường rơi hết vào tay nhà thầu nước ngoài, khiến ngành cơ khí mãi vẫn chỉ “lẹt đẹt”. Mặc dù Chính phủ đã mạnh dạn giao chỉ định tổng thầu những dự án lớn cho một số DNCK uy tín và mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả, nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, không có thêm những dự án gối đầu, thiếu hụt chiến lược dài hơi, đã khiến các DN khó hoạch định đường hướng phát triển.
Nhân công giá rẻ
Có dịp cùng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (thuộc Bộ Xây dựng) đi tuyển sinh, mới thấy việc thu hút nguồn lao động đào tạo cho ngành cơ khí khó khăn đến dường nào. Hằng năm, mỗi mùa tuyển sinh, trường phải phối hợp một số DNCK có nhu cầu lao động, lặn lội về tận các vùng quê xa xôi hẻo lánh, giới thiệu việc làm cho người dân, từ hình thức, kinh phí đào tạo, đến vị trí công việc sau khi tốt nghiệp và mức lương khởi điểm,… Các DNCK sẵn sàng hỗ trợ một phần kinh phí học tập, bảo đảm đầu ra khi học viên hoàn thành khóa học, có chứng chỉ hành nghề, ưu đãi hết mức. Tuy nhiên, số lượng học viên theo học ngành cơ khí ngày càng ít đi. Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho biết, hằng năm Tổng công ty cũng như các đơn vị thành viên đều đăng tuyển dụng khoảng 1.000 kỹ sư, công nhân, nhưng chỉ tuyển được khoảng 200 người và tiếp tục “rơi rụng” trong quá trình làm việc. Câu chuyện này kéo dài nhiều năm trở lại đây, đủ minh chứng một thực tế đáng buồn là thu hút nguồn nhân lực cho ngành cơ khí hết sức khó khăn.
Khoa Cơ khí trước đây (nay là Viện Cơ khí động lực) từng là “cái nôi” của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, có bề dày truyền thống, một thời danh nổi như cồn. Tuy nhiên, càng về sau này, Viện Cơ khí động lực càng bị mất động lực trong việc thu hút sinh viên theo học, đầu vào ngành cơ khí bị giảm sút nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Có thể nói, thị trường công việc của ngành cơ khí còn dư địa rất lớn, nhưng nếu nền tảng không tốt, không bảo đảm thu nhập ngang bằng các ngành nghề khác, sẽ rất khó thu hút sinh viên. Giảng viên Viện Cơ khí động lực Trần Ngọc Minh đánh giá, hiện nay có nhiều lĩnh vực “hot” hơn ngành cơ khí, do vậy ngay cả chất lượng tuyển sinh đầu vào của ngành cơ khí đã thấp hơn so với trước đây, chỉ tuyển được những học sinh “thường thường bậc trung”. Mặt khác, do điều kiện tài chính không cho phép cho nên hệ thống máy móc, thiết bị thực hành không được đầu tư đúng mức, chưa theo kịp thực tế phát triển của xã hội. Vì thế, thiếu công nhân kỹ thuật là khó khăn chung của các DNCK. Giám đốc một DNCK kể lại, khi trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng các kỹ sư mới ra trường, nhiều em cầm tấm bằng kỹ sư loại khá nhưng không nhớ công thức tính diện tích hình tròn. Theo một con số thống kê, tính đến quý I-2016, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của ngành chế biến, chế tạo chỉ đạt 17,9%, giảm mạnh so với năm 2013 (18,3%). Phó Tổng Giám đốc Lilama 18 Phạm Văn Vân cho biết, nhiều khi đơn vị bỏ công đào tạo được một kỹ sư, công nhân lành nghề, thạo việc nhưng lại bị DN khác “nẫng tay trên”. Trong thị trường công việc mở, hiện tượng nhảy việc, tìm chỗ khác có mức ưu đãi tốt hơn là điều hết sức bình thường đối với người lao động. Do đó, để chủ động tiến độ các đơn hàng, công ty đã xây dựng được một bộ khung cán bộ kỹ thuật chất lượng tốt, có chính sách ưu đãi đặc biệt hơn về tiền lương, thu nhập,… để họ yên tâm cống hiến, tạo thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, được đối tác tin cậy.
Một nếp nghĩ sai lầm đã ăn sâu trong tư duy nhiều người, coi cơ khí là ngành thuần “cơ bắp”, mà không thấy đó là một ngành kỹ thuật đòi hỏi rất lớn về kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, việc đào tạo trong các trường kỹ thuật nghề hiện còn quá nặng về lý thuyết, thiếu các kiến thức, trang thiết bị thực hành, không đủ kỹ năng tay nghề trong thực tế. Sinh viên ra trường hầu hết phải đào tạo lại, nhanh cũng mất vài tháng, thậm chí nhiều trường hợp hơn hai năm mới nắm bắt được công việc trên công trường. Từ bất ổn của hệ thống đào tạo, đã dẫn tới hệ quả nhân công giá rẻ và năng suất lao động của Việt Nam đang ở “cuối bảng” các nước châu Á.
(Còn nữa)
Theo Luật Đấu thầu 2015, khi nhà đầu tư Việt Nam tổ chức đấu thầu quốc tế, DN trong nước chỉ được ưu đãi hơn DN nước ngoài 7,5% giá, đây là mức quá thấp. Do vậy, chúng tôi đề nghị điều chỉnh lên 25% vì một số nước trong khu vực hỗ trợ xuất khẩu lên đến 17% cùng với nhiều chính sách ưu đãi xuất khẩu hơn chúng ta rất nhiều. Bất cập lớn nhất của ngành cơ khí là thiếu tính đồng bộ trong quản lý Nhà nước và không có sự lồng ghép hiệu quả các ngành công nghiệp khác. Nếu có cơ chế lồng ghép, phối hợp giữa các ngành công nghiệp và cơ khí, mỗi lĩnh vực giao DN trong nước làm chủ từ ba dự án cơ khí trọng điểm trở lên, chắc chắn chúng ta sẽ hình thành được ngành cơ khí chuyên sâu về các lĩnh vực khác nhau.